0 Giỏ hàng

Củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các làng nghề

(09-08-2019)

Theo số liệu điều tra của ngành Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó có 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 39 làng nghề nông nghiệp. Trong đó, có 20 làng nghề truyền thống (12 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, 8 làng nghề nông nghiệp truyền thống).

Thời gian qua, các làng nghề có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đã góp phần rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Qua đó, đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, tạo ra một số sản phẩm du lịch cho địa phương. Hiện một số sản phẩm của làng nghề đã được công nhận, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, di sản văn hóa phi vật thể như: Bánh Tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc, Rượu Phú Lễ...
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc xây dựng và phát triển làng nghề vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Nếu so với tiềm năng, lợi thế, truyền thống và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì làng nghề ở Bến Tre phát triển chậm, đa số làng nghề sản xuất quy mô còn nhỏ, theo kiểu tự phát, thiếu vốn đầu tư. Phần lớn các sản phẩm sản xuất ra với công nghệ lạc hậu, chủ yếu làm thủ công, chất lượng kém, mẫu mã đơn điệu, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, thu nhập người lao động còn thấp. Việc chấp hành một số quy định của pháp luật như: đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường,… chưa nghiêm. Các làng nghề dệt chiếu Thành Thới B (Mỏ Cày Nam), dệt chiếu Nhơn Thạnh (TP.Bến Tre) có thành lập hợp tác xã nhưng không có hoạt động. Làng nghề sản xuất thạch dừa, kẹo dừa Phường 7 đã di dời một số cơ sở gây ô nhiễm đi nơi khác. Làng nghề sản xuất cá khô Bình Thắng (Bình Đại), An Thủy (Ba Tri) có một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Lao động tại các làng nghề hầu như không còn do đa số lao động, nhất là lao động trẻ đã dịch chuyển sang làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp nhằm có thu nhập cao hơn.
Để củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các làng nghề và triển khai thực hiện tốt Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có làng nghề, Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn để thực hiện tốt việc phát triển làng nghề kết hợp với việc phát triển kinh doanh du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất của làng nghề. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, đầu tư đổi mới công cụ, thiết bị chuyên dùng, nghiên cứu chuyển giao phần mềm thiết kế và khuyến khích các nghệ nhân thiết kế, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tổ chức truyền nghề và đào tạo thợ giỏi, nâng cao trình độ quản lý và kiến thức hội nhập của các doanh nghiệp, cơ sở. Tổ chức vận động, kiện toàn lại các hợp tác xã trong làng nghề đã ngưng hoạt động, tuyên truyền vận động thành lập mới những hợp tác xã trong làng nghề tiềm năng, có tâm huyết với làng nghề và hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã trong làng nghề xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy mô hiện có.