0 Giỏ hàng

Sở Công Thương Bến tre gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu dừa trên địa bàn tỉnh.

(28-06-2022)

Nhằm nắm bắt tình hình thu mua dừa nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dừa trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua; đồng thời trao đổi, bàn một số nội dung liên quan đến các giải pháp ổn định giá dừa trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương Bến Tre đã tổ chức buổi gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu dừa trên địa bàn tỉnh do bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương chủ trì. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện các Sở, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Hiệp hội Dừa tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế tỉnh.
 

Hiện nay, các doanh nghiệp có rất nhiều thuận lợi khi hoạt động trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cụ thể: Có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến xuất khẩu, nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn, hệ thống phân phối trong và ngoài nước đã hình thành và khá ổn định. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn có liên kết với nông dân trồng dừa hữu cơ như: Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) với diện tích gần 2.800ha; Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới gần 6.500ha và dự kiến đến năm 2025 công ty sẽ phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ lên 10.000ha, luôn đảm bảo giá thu mua cho người dân cao hơn thị trường từ 15 - 20%. Riêng Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã có chứng nhận FDA, Halal, Kosher, BSCI, BRC, Organic...; Công ty cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO) đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất với công nghệ chế biến tiên tiến cho ra các sản phẩm từ dừa đạt quy chuẩn quốc tế, đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm và tính tiện dụng để phục vụ cộng đồng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cần vượt qua. Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp dự họp đã bày tỏ những khó khăn hiện nay, cụ thể: Dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất - kinh doanh; suy giảm nhu cầu từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong một thời gian; dừa Bến Tre chưa có thương hiệu và vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; xu hướng tiêu dùng sử dụng sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng, trong khi vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện chưa lớn (vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 13.125 ha chiếm 19,8% tổng diện tích dừa toàn tỉnh, với 7.249ha đạt chứng nhận), việc nông dân tham gia trồng dừa theo quy chuẩn hữu cơ chưa nhiều. Hơn nữa, quy mô nhỏ, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ... còn hạn chế của một số công ty là yếu tố hạn chế tính cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài chế biến cùng mặt hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa cũng gặp nhiều khó khăn chung đối với các doanh nghiệp trong ngành khác, cụ thể: Khi xuất khẩu sang một số thị trường như Hoa Kỳ thì yêu cầu rất cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường; phải cạnh tranh với các nhóm hàng khác được sản xuất ngay tại Hoa Kỳ hay từ các đối thủ khác đến từ Châu Á, Nam Mỹ, thậm chí là Châu Phi.  

Thời gian từ đầu năm đến nay, giá dừa trên địa bàn tỉnh giảm nhiều, đặc biệt từ tháng 4/2022 đến nay, giá bán trái dừa khô tại vườn liên tục giảm. Nguyên nhân chính do đầu ra các sản phẩm dừa xuất khẩu có phần chậm và chịu sức ép giảm do nhiều nước xuất khẩu dừa trong khu vực và trên thế giới đã hạ giá bán để thu hút khách hàng, giá các sản phẩm phụ phẩm từ trái dừa như mụn dừa, gáo dừa, nước dừa giảm mạnh. Hiện giá dừa khô được nhiều hộ dân bán tại vườn cho thương lái thu gom chỉ còn ở mức 35.000 - 40.000 đồng/chục và khoảng 25.000-30.000 đồng/chục đối với dừa mua dạng xô, thương lái tự bẻ dừa. Riêng dừa trồng theo mô hình hữu cơ có giá từ 30.000 - 65.000 đồng/chục.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ngành và các doanh nghiệp đề xuất một số nội dung liên quan đến công tác xúc tến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; việc phát triển cây dừa trên đất Bến Tre kể cả dừa nguyên liệu và dừa uống nước, cụ thể:

- Các Sở, ngành có liên quan sẽ là đầu mối kết nối các thị trường xuất khẩu nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc và các thị trường khác. Phối hợp với Tham tán thương mại tại các nước là các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng của tỉnh, để nắm được các nhu cầu, thị hiếu, cơ hội, rủi ro về thị trường, chú trọng các nước trong Hiệp định thương mại tự do (FTA)... Từ đó, kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và có sự liên hệ chặt chẽ, thường xuyên đảm bảo thông tin đến được doanh nghiệp và nắm được tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

- Mở rộng thị trường, phát huy thương mại điện tử: tổ chức các phiên chợ online, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba... hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, sản phẩm chế biến từ dừa để thúc đẩy xuất khẩu.

- Quan tâm, chú trọng và tăng cường công tác khuyến công, hỗ trợ các máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngành dừa, góp phần nâng tỷ lệ sản phẩm qua sơ chế, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cây dừa của tỉnh.

- Cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân, đoàn thể… tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, để nâng cao nhận thức cộng đồng về dừa hữu cơ, thay đổi tập quán canh tác của nông dân cũng như cách làm hữu cơ, được lan tỏa, được sự ủng hộ của cộng đồng; hướng dẫn người nông dân trồng dừa hữu cơ; trồng xen, nuôi xen vườn dừa để tăng giá trị trên diện tích đất góp phần tăng thu nhập. Công tác tuyên truyền tham gia, phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và dừa uống nước phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; không phát triển theo kiểu tự phát, tràn lan, phá vỡ quy hoạch và lại rơi vào vòng lặp cung vượt cầu, được mùa mất giá./.  
Nguồn: P.QLTM – SCT